Giá dừa tăng giảm, không ổn định vốn dĩ cũng là chuyện rất bình thường trong ngành nông nghiệp nước ta, nơi mà ngay cả những mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, trái cây… cũng không tránh khỏi tình trạng này.
Giá dừa trái trong nước, cũng như trên địa bàn Bến Tre những năm qua luôn biến động thất thường vì chịu sự tác động của thị trường thế giới, bởi những biến động phức tạp về thời tiết, mùa màng và cả quan hệ cung cầu, phụ thuộc khá lớn vào hoạt động nhập khẩu dừa trái của thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Trở về thời điểm năm 2008, giá dừa nguyên liệu tại Bến Tre có lúc là 4.500đ/trái, tức từ 50.000đ – 60.000 đ/chục (12 trái) dừa loại 1,2kg/trái trở lên, giá dừa từ giữa tháng 4/2008 tăng gấp 9 lần năm 2002 - thời điểm nông dân đốn dừa trồng cây ăn trái. Nguyên nhân là bên cạnh hoạt động chế biến các doanh nghiệp của tỉnh vẫn duy trì xuất khẩu dừa nguyên liệu sang thị trường Trung Quốc với số lượng lớn (xuất khẩu dừa nguyên liệu của Bến Tre năm 2008 trên 80 triệu trái), gần 1/4 sản lượng dừa của tỉnh; lại đang ở thời điểm mùa khô và cũng là thời điểm dừa cuối vụ, nhà vườn lại bán dừa uống nước (còn non), làm cho sản lượng dừa nguyên liệu giảm, gây mất cân đối cung cầu nguyên liệu dừa trái tại địa phương.
Tuy vậy, sang năm 2009 các nhà vườn trồng dừa của địa phương gặp khó khăn về đầu ra cho trái dừa khô. Giá dừa khô cuối tháng 5/2009, các thương lái mua tại vườn với giá 19.000đ – 23.000đ/chục (12 trái); trong khi giá tại các điểm thu mua dừa ở Vàm Thơm (Mỏ Cày) là 25.000đ - 28.000đ/chục, nhưng việc tiêu thụ cũng rất khó khăn. So với cùng kỳ năm 2008, giá dừa khô đã giảm xuống gần phân nửa.
Đầu năm 2010, giá dừa có dấu hiệu hồi phục và có chiều hướng tăng, giá dừa tại Bến Tre tháng 01/2010 từ 35.000 – 40.000 đ/chục (12 trái, mua tại vườn) lên gần 100.000 đ/chục vào tháng 12/2010. Giá dừa tiếp tục tăng mạnh vào năm 2011 và đạt mức kỷ lục vào tháng 10/2011 là từ 140.000 – 160.000 đ/chục.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, giá dừa có xu hướng giảm mạnh, giá dừa thời điểm tháng 01/2012 giảm xuống còn từ 50.000 – 60.000 đ/chục, giảm hơn 50% so với thời điểm cuối năm 2010. Giá dừa tiếp tục rơi tự do trong những tháng tiếp theo, giá dừa được thương lái thu mua trong dân vào tháng 6/2012 chỉ còn 10.000 – 12.000 đồng/chục (chục 12 trái), giảm hơn 10 lần so với thời điểm tháng 10/2011.
Đến năm 2013, đặc biệt là trong những tháng gần đây, giá dừa trái trên thị trường lại đang có xu hướng tăng cao, do lượng dừa nguyên liệu khan hiếm, là tín hiệu đáng vui mừng cho người nông dân trồng dừa, tuy vậy điều này làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, phần lớn doanh nghiệp sản xuất cơm dừa nạo sấy hiện chỉ hoạt động cầm chừng, khoảng 30-40% công suất, do thiếu nguyên liệu trầm trọng và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Vào trung tuần tháng 5/2013, do lượng dừa trái xuất khẩu sang Trung Quốc ổn định, và việc sử dụng dừa tươi phục vụ nhu cầu giải khát tiếp tục tăng, dừa trái nguyên liệu có giá 70.000 – 80.000 đồng/chục 12 trái (tùy loại, mua tại vườn) và 85.000 – 90.000 đồng/chục 12 trái (mua tại vựa), tăng 10.000 – 20.000 đồng/chục 12 trái so với mức giá hồi tháng 3/2013. Giá cơm dừa nguyên liệu để chế biến cơm dừa nạo sấy xuất khẩu cũng tăng từ 500-1.000 đồng/kg. Tuy nhiên từ thời điểm cuối tháng 5 đến nay giá dừa đã giảm dần, giá dừa trung bình từ 50.000 – 60.000 đ/chục (tùy theo loại, mua tại vựa).
Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá dừa nguyên liệu mất ổn định, tăng giảm thất thường trong thời gian qua?
Mất cân đối cung – cầu:
Việc giá dừa nguyên liệu tăng mạnh trong thời gian gần đây, điệp khúc tương tự như năm 2008 được lập lại, ngoài nguyên nhân do thương lái Trung Quốc đẩy mạnh thu mua với giá cao, còn do sản lượng dừa trái nhà vườn khan hiếm, giảm mạnh, có nơi không bằng 50% lượng dừa cùng thời điểm năm trước. Tình trạng thương nhân Trung Quốc ồ ạt thu mua dừa trái góp phần làm cho nguồn cung tại địa phương bị giảm và đẩy chỉ số giá tăng lên, không những thế, việc mua với giá cao bất ngờ khiến nông dân chạy theo lợi nhuận tập trung bán hàng cho thương lái Trung Quốc, song song đó các công ty chế biến dừa của tỉnh cũng đẩy mạnh thu mua dừa để phục vụ chế biến xuất khẩu. Mặt khác nhu cầu tiêu thụ dừa tươi (giải khát) rất mạnh đã góp phần đẩy giá dừa nguyên liệu lên cao. Ngoài ra, để có dừa cung cấp cho đối tác, các thương lái trên thị trường nội địa cũng phải đẩy giá thu mua lên theo mới mua được hàng, đã dẫn đến sự mất cân đối nghiêm trọng giữa hai khu vực sản xuất nguyên liệu và chế biến tiêu thụ.
Tuy nhiên, mặc dù giá dừa tăng mạnh nhưng thu nhập người nông dân tăng không đáng kể, vì thời điểm hiện tại dừa đang trong thời điểm “treo cổ” (trái ít) nên không có dừa để bán. Theo đánh giá của các nhà vườn do ảnh hưởng thời tiết, nước mặn xâm nhập nên năng suất dừa năm nay cũng thấp hơn rất nhiều so với cùng thời điểm năm ngoái.
Lệ thuộc thị trường Trung Quốc
Một điều dễ nhận thấy trong nhiều năm qua là mỗi khi có tàu Trung Quốc vào “ăn hàng” tại địa phương thì giá dừa nguyên liệu có xu hướng tăng mạnh, và ngược lại giá dừa có xu hướng giảm mạnh khi khách hàng Trung Quốc chậm mua hoặc ngừng không mua nữa.
Sở dĩ khách hàng Trung Quốc sẵn sàng mua dừa nguyên liệu với giá cao, chưa kể chi phí vận chuyển, hoa hồng cho đại lý…bởi vì sẵn có thị trường tiêu thụ nội địa rộng lớn. Bên cạnh đó, dừa Bến Tre luôn được các thương nhân Trung Quốc quan tâm, vì họ đánh giá chất lượng dừa Bến Tre tốt hơn các nơi khác, sản lượng lớn, tập trung nên dễ thu mua nhanh hơn so với các nơi khác. Khi có nhu cầu họ tổ chức thu gom với giá cao, khi thấy lượng dừa của nhà vườn qua thương lái nội địa ồ ạt thì họ bắt đầu kềm giá và từ từ giảm giá, hạn chế dần và không thu mua nữa, dẫn đến tình trạng dừa tồn đọng với với số lượng lớn, giá giảm mạnh. Giá dừa trái giảm, kéo theo giá chỉ xơ dừa, cơm dừa, than gáo dừa cũng giảm theo vì nguồn thu mua chủ yếu cũng từ thương nhân Trung Quốc.
Một nghịch lý đã tồn tại trong suốt nhiều năm qua là trong khi lượng dừa nguyên liệu không đáp ứng nhu cầu cho sản xuất chế biến, thì một số doanh nghiệp của địa phương chạy theo lợi nhuận trước mắt, cục bộ đã liên kết với thương lái Trung Quốc tổ chức hoạt động xuất khẩu dừa trái sang thị trường này với quy mô khá lớn. Thực tế lợi nhuận từ xuất khẩu dừa trái rất thấp, trong khi hiệu quả kinh tế từ hoạt động chế biến rất cao, bên cạnh đó còn góp phần quan trọng trong giải quyết lao động việc làm của địa phương.
Giá dừa tăng giảm thất thường đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân trồng dừa cũng như ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa. Sức tiêu thụ trên thế giới sụt giảm, những bất cập trong chuỗi sản xuất – cung ứng dừa, sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường tiêu thụ (Trung Quốc), bị họ thao túng giá cả chính là nguyên nhân làm cho giá dừa biến động thất thường, nguy cơ rủi ro cho người trồng dừa và nhà sản xuất là không tránh khỏi.
Sức cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm hạn chế
Tuy đã có những bước phát triển, nhưng nhìn chung ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa còn nhiều hạn chế so với mặt bằng chung của các quốc gia trong khu vực. Công nghệ chế biến và chủng loại sản phẩm làm ra chủ yếu là do đối tác đặt hàng, chưa chủ động phát triển theo lợi thế riêng, chỉ tập trung chú trọng vào hướng nâng cao năng suất, chất lượng dừa trái. Do vậy, khi gặp sự cố về thị trường thì thiệt hại của ngành dừa là tất yếu.
Nhìn lại năm 2011, thời điểm dừa trúng mùa, ước tính sản lượng trong năm 2011 đạt khoảng 430 triệu trái, tăng khoảng 20% so với năm 2010. Tuy vậy, thời gian này lại trùng vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế chính trị ở các nước Trung Đông, Châu Âu và Bắc Phi, là các thị trường chủ lực tiêu thụ sản phẩm dừa, các quốc gia này đều có xu hướng giảm tiêu thụ trong khi sản lượng tăng lên nên đã làm giá các sản phẩm dừa bị rớt giá. Trong 6 tháng đầu năm 2012, giá dầu dừa trên thế giới chỉ bình quân ở mức 1.292 đô la/tấn, giảm 37% so cùng kỳ năm 2011, giá cơm dừa nạo sấy xuất khẩu của Indonesia giảm 38%, Malaysia giảm 28%, Sri Lanka giảm 45% so với năm 2011.
Tình hình tiêu thụ dừa trên thế giới có xu hướng giảm xuống trong khi năng suất, sản lượng dừa đều tăng làm cho giá dừa sụt giảm là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu theo dõi diễn biến của giá dừa trái nguyên liệu và giá bán sản phẩm cơm dừa nạo sấy tại Bến Tre so với thế giới, cụ thể là Philippines, thì cho thấy còn nhiều bất cập. Giá dừa cao điểm trên thế giới vào tháng 6/2011 chỉ ở mức hơn 7.000 đồng/trái. Trong khi đó thời điểm tháng 10/2011 tại Bến Tre giá dừa lên mức gần 12.000 đồng/trái. Tuy vậy, giá các sản phẩm chế biến từ dừa, đặc biệt là cơm dừa nạo sấy lại có xu hướng ngược lại, giá xuất khẩu cơm dừa nạo sấy của Bến Tre luôn thấp hơn giá thị trường thế giới (Philippines). Giá xuất khẩu cơm dừa nạo sấy của Philippines tháng 01/2012 khoảng 2.000 USD/tấn, trong khi giá xuất khẩu cơm dừa nạo sấy của Bến Tre chỉ khoảng 1.650 USD/tấn.
Giá cơm dừa nạo sấy của Bến Tre và thế giới (Giá FOB Philippines)
Nguyên nhân là do phần lớn các doanh nghiệp của tỉnh xuất khẩu cơm dừa nạo sấy đều qua trung gian, trong khi Philippines xuất khẩu trực tiếp. Mặt khác, do các doanh nghiệp của Philippines có quy mô lớn, thương hiệu nổi tiếng nên bán được giá cao hơn doanh nghiệp Bến Tre.
Qua đó cho thấy khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm của Bến Tre còn hạn chế, phần lớn các doanh nghiệp lựa chọn những thị trường tương đối dễ tính, nhu cầu số lượng lớn, ít áp lực về thương hiệu, chất lượng, rào cản kỹ thuật, phương thức mua bán… Trong khi Trung Quốc là thị trường hội đủ các điều kiện này.
Nhìn chung, trong thời gian qua giá dừa trái biến động mạnh không ngoài quy luật cung – cầu của thị trường trong nước và thế giới, yếu tố mùa vụ, thời tiết, đặc biệt là thị trường Trung Quốc có vai trò chi phối rất lớn đối với thị trường dừa của tỉnh. Giá dừa nguyên liệu ở nhiều thời điểm tăng cao ở mức kỷ lục, trong khi thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua với số lượng lớn, thì các doanh nghiệp tại địa phương không đủ nguyên liệu để sản xuất. Tuy nhiên, có những thời điểm đan xen trong suốt gần mười năm qua dừa rớt giá thảm hại, bán không người mua, gây khốn khó cho người nông dân.
Giá dừa tăng hay giảm, thiệt hại ra sao còn tùy thuộc vào góc độ người nhìn. Ở góc độ là người nông dân, khi giá dừa tăng cao thì là điều phấn khởi, điều này không cần phải bàn cải vì thu nhập của họ được tăng lên, đời sống được cải thiện. Ngược lại, là doanh nghiệp khi giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhưng giá sản phẩm trên thị trường xuất khẩu không tăng dẫn đến thua lổ, sản xuất đình đốn. Khi giá dừa giảm, thu nhập người nông dân giảm theo, đời sống khó khăn, nhưng lại là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, khi giá nguyên liệu đầu vào giảm.
Vấn đề đặt ra là làm sao cân đối hài hòa lợi ích của người nông dân trồng dừa và doanh nghiệp. Ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, thông qua các công cụ chính sách, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những phương án quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp, hiệu quả mang tính chiến lược, dài hạn. Cần khắc phục những mặt hạn chế như: liên kết thị trường nguyên liệu hiện nay còn lỏng lẻo, hoạt động thu mua nguyên liệu qua nhiều tầng nấc trung gian, chi phí đầu vào cao, các tiêu chuẩn sản phẩm chưa đồng nhất, sản phẩm chế biến thô, thi trường xuất khẩu chỉ tập trung vào các thị trường dễ tính, khai thác chưa hiệu quả thị trường nội địa…
Trước mắt cần xây dựng, hình thành hệ thống vệ tinh cung ứng nguyên liệu đủ mạnh, xây dựng các tổ hợp tác cung ứng sản phẩm sơ chế ở các vùng nông thôn, cân đối lợi ích giữa xuất khẩu dừa trái và hoạt động chế biến để tạo lập vùng nguyên liệu ổn định, tổ chức tốt hệ thống thông tin dự báo về tình hình giá cả, sản lượng cung - cầu, đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm tinh, có giá trị gia tăng cao, tăng cường các hoạt động về phân phối sản phẩm, phát triển thị trường mới.
(Nguồn: Phòng KHTC - Sở Công Thương Bến Tre)
|