Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Chính phủ quên ngành dừa

Standard
Ngành dừa, một ngành đóng góp vai trò không nhỏ trong nền kinh tế nước ta nhưng trên thực tế còn ít nhắc đến. Trong bối cảnh khó khăn và tác động của cơ chế thị trường, ngành dừa sẽ sống ra sao nếu Chính phủ không “trực tiếp” vào cuộc. Thế giới Ảnh đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam xoay quanh vấn đề này.
Chính phủ quên ngành dừa

               Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam
Ngành dừa đóng một vai trò không nhỏ trong sự phát triển của kinh tế dừa nước ta. Vậy từ khi Hiệp hội Dừa VN ra đời, thì chiến lược xây dựng thương hiệu cho cây dừa Việt Nam đã được triển khai như thế nào?
Chiến lược xây dựng thương hiệu cho cây dừa Việt Nam của Hiệp hội Dừa Việt Nam (HHDVN) là một câu chuyện dài và hết sức tế nhị, khi ngoài những người dân trồng dừa, các doanh nghiệp sản xuất chế biến (DN SXCB) những sản phẩm từ dừa và các nhà khoa học nghiên cứu về dừa thì cây dừa chưa phải là đối tượng đáng quan tâm của Nhà nước và các bộ ban ngành. Các tỉnh trồng nhiều dừa cũng đang lúng túng với chiến lược phát triển của ngành dừa, bởi sự tự phát quá nhanh cùng những đột phá của nó trước nhu cầu của thị trường.
Ngoài những sản phẩm truyền thống như bánh kẹo thì những sản phẩm khác như: cơm dừa nạo sấy, dầu dừa tinh khiết, chỉ xơ dừa, than gáo dừa, mụn dừa và những mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa là những sản phẩm mới phát triển sau này và ngày càng khẳng định vị trí của mình với thị trường quốc tế và đó cũng chính là cơ sở để ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam phát triển. Chính sự tự phát triển này lại nằm trong cơ chế thị trường và hầu hết là của các thành phần kinh tế tư nhân nên hầu như ngành dừa chưa được Nhà nước và các bộ ban ngành biết đến.
Vì thế, để xây dựng được thương hiệu cho cây dừa Việt Nam, các doanh nghiệp chế biến dừa phải tự khẳng định mình bằng chính chất lượng hàng hóa từ sự xoay sở của mình mà không có được bất kỳ sự hỗ trợ nào của Nhà nước nên gặp rất nhiều khó khăn. HHDVN được thành lập nhằm tháo gỡ những khó khăn này với sự liên kết từ ba nhà: nhà vườn, nhà sản xuất và nhà khoa học để có tiếng nói trình lên Chính phủ, để có thêm sự quan tâm liên kết và hỗ trợ của nhà thứ tư là Nhà nước.
Đồng thời để các bộ ban ngành biết đến cây dừa, chúng tôi phải tham gia một số các hoạt động tưởng chừng không liên quan gì đến dừa, để cây dừa được biết đến bắt đầu từ những cuộc hội thảo, những tham luận có liên quan đến dừa như: “Tìm lại nguồn gốc địa danh Ô Chợ Dừa” để biết được cây dừa có mặt ở nước ta từ bao giờ. Và thật thú vị khi ngược dòng lịch sử, chúng tôi còn có những cơ sở để minh chứng rằng địa danh Chợ Dừa chí ít cũng đã có từ trước khi thành Đại La được xây dựng và trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam, tại sao dừa lại có mặt từ những món ăn dân giã như bánh đa, bánh đúc…
Mặt khác, trong chương trình “Đường vào nghề” dành riêng cho sinh viên khoa du lịch các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp tại TP.HCM, chúng tôi cũng đã giới thiệu cho các em biết được tầm quan trọng của cây dừa trong văn hóa dân gian Việt Nam và sự đồng hành của cây dừa trong chiến tranh vệ quốc của dân tộc, để các em có thêm kiến thức về loại cây đã trở thành hình ảnh tiêu biểu của Việt Nam bên cạnh cây tre. Đó chính là nền tảng cho du lịch dừa phát triển. Chúng tôi nghĩ phương pháp xây dựng một thương hiệu, ngoài việc tự khẳng định chất lượng hàng hóa của mình nếu biết kết hợp thông qua kênh du lịch sẽ hiệu quả nhất.
          
Thưa bà, lạm phát ở Việt Nam hiện nay ảnh hưởng trực tiếp ra sao đến ngành dừa trong nước? Chính phủ có đưa ra biện pháp nào để giữ bình ổn cho ngành hàng này không?
Cây dừa được xếp vào danh mục cây công nghiệp nhưng cũng như một số loại cây trồng thông thường khác, cây dừa được người dân tự trồng trên khuôn viên đất nhà chứ không được trồng thành những đồn điền, trang trại như các loại cây cao su, điều, cà phê, chè... Chính điều đó đã làm cho cây dừa mất đi thế mạnh và chưa khẳng định được tiềm lực kinh tế. Hiện nay nói đến cây dừa thì chưa có một chính sách cụ thể gì ngoài việc đưa dừa trái (dừa nguyên liệu) vào danh mục thuế xuất khẩu với thuế suất 3% có hiệu lực bắt đầu từ ngày 20/5/2011 theo TT 46 của Bộ Tài chính. Đây là một tín hiệu vui cho ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam. Vui ở đây chúng tôi muốn nói đến, chính là cây dừa bắt đầu có được sự quan tâm của Chính phủ, trước tiên là lĩnh vực thuế nhằm lấy lại sự công bằng cho các DN chế biến dừa trong nước và đó cũng là biện pháp đầu tiên nhằm bình ổn được nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến dừa trong nước. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại thì chưa bởi giá dừa nguyên liệu vẫn ổn định, lượng dừa xuất khẩu chưa thấy có dấu hiệu chững lại và các DN chế biến dừa trong nước vẫn tiếp tục “đói” nguyên liệu. Nhu cầu xuất khẩu vẫn còn rất cao mà năng suất dừa trong nước thì đang bị sụt giảm bởi nhiều yếu tố như sâu bệnh, thời tiết và hơn hết là cần phải có những giống dừa mới thay thế khi các vườn dừa đang bị lão hóa dần, nhất là khu vực miền Trung.
Nhiều doanh nghiệp ở các địa phương trồng dừa gần đây bật mí doanh thu thực tế đang suy giảm trầm trọng do dừa vào vụ nghịch (tháng 4-8), trái ít trong khi nhu cầu thị trường rất lớn. Trước lời kêu ca của ngành dừa trong nước, Hiệp hội sẽ có hướng hỗ trợ cụ thể nào để cứu doanh nghiệp?
Xét về giá thì dừa đang “lên ngôi” với mức giá kỷ lục chưa từng có từ trước đến nay (130-140.000đ/chục - 12 trái) tại nhà vườn. Do thất mùa và nhu cầu xuất khẩu dừa trái nguyên liệu đang tăng cao nên người trồng dừa rất phấn khởi, nhưng lại làm cho các DN SXCB dừa gặp khó khăn về nguyên liệu. Đó là sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường. HHDVN đang phối hợp cùng các DN và HH Dừa Bến Tre để có những kiến nghị trình Quốc hội về chính sách thuế phù hợp với ngành dừa và những chính sách ưu đãi tín dụng cho ngành sản xuất chế biến dừa như những ngành hàng khác.
Tình trạng xuất dừa thô ào ạt sang Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia… đã làm cho các doanh nghiệp chế biến tại chỗ điêu đứng vì thiếu nguyên liệu hoạt động, theo bà, việc Bộ Tài chính tăng thuế xuất khẩu liệu sẽ phanh lại tốc độ này chăng?
Như đã nói ở trên, do nhu cầu xuất khẩu dừa trái quá lớn, nên cây dừa đang là đối tượng mà người dân ĐBSCL hết sức quan tâm phát triển, nhất là trong điều kiện xâm mặn quá sâu như hiện nay. Ở một số tỉnh như Tiền Giang,Trà Vinh… người dân đã và đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang dừa nhằm ổn định cuộc sống.
Hiệu lực thi hành của thông tư 46 mới có giá trị từ ngày 20/5/2011, với mức thuế xuất khẩu là 3% cho dừa trái, ban đầu cũng đã có một số ý kiến trái chiều của người nông dân trồng dừa rằng thông tư này sẽ mở ra cơ hội cho các DN và tư thương thu mua dừa ép giá, gây khó khăn cho nhà vườn nhưng trong thực tế thì không phải như vậy. Giá dừa nguyên liệu vẫn ổn định và đang có xu hướng tăng cao do không đủ để cung ứng cho thị trường xuất khẩu. Và các doanh nghiệp sản xuất chế biến những sản phẩm từ dừa vẫn tiếp tục “đói” nguyên liệu. Vì thế, diện tích trồng dừa của ĐBSCL đang được tăng cao và trẻ hóa vườn dừa cũng đang được thực hiện. Theo số liệu thống kê của tỉnh Bến Tre thì tuy diện tích trồng dừa và sản lượng dừa trong những năm gần đây có tăng, nhưng mức tăng trưởng thì năm sau vẫn thấp hơn năm trước, do đó việc “đói” nguyên liệu là điều tất yếu.
Theo bà cần tiêm “thuốc bổ” gì cho ngành dừa trong nước “khỏe mạnh” trở lại?
Với ngành kinh tế nào cũng vậy, liều thuốc bổ được tiêm đầu tiên là chính sách tài chính. Ngành dừa chưa có được bất kỳ chính sách tài chính ưu đãi nào từ Chính phủ, trong khi ở một số địa phương thì dừa là nguồn thu nhập chính của người dân. Vì vậy, chúng tôi không mong gì hơn là cây dừa được đưa vào bàn nghị sự với những chính sách cụ thể như: Ưu đãi đầu tư cho ngành công nghiệp chế biến dừa bằng chính sách tín dụng cụ thể; Tăng thuế xuất khẩu cho dừa trái từ 5 - 7% thay vì 3% như hiện nay, nhằm giảm bớt tình trạng đói nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến dừa trong nước, đồng thời có thêm ngân sách hỗ trợ cho ngành dừa phát triển; Miễn thuế đầu vào cho ngành sản xuất sử dụng những phụ phẩm từ dừa như: gáo dừa, xơ dừa, cọng lá dừa… Có chương trình nghiên cứu quốc gia về phát triển các giống dừa cho năng suất cao và phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và phòng ngừa sâu bệnh hiệu quả cho cây dừa; Ưu tiên hỗ trợ những nghiên cứu nâng cao chuỗi giá trị gia tăng cho những sản phẩm từ dừa.Hội nghị cấp Bộ trưởng của APCC lần thứ 35 vào năm 1998 tại thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố ngày 2/9 là ngày dừa hàng năm. Mục đích của việc tuyên bố này là để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dừa và thu hút nhiều đầu tư hơn nhằm cải thiện đời sống cho các nhà trồng dừa. Ngày 2/9 là ngày dừa thế giới. Vì vậy, đề nghị Quốc hội thông qua ngày 2/9 hàng năm cũng là ngày Cây Dừa Việt Nam để người dân trồng dừa có được ngày hội cho mình, nhằm phát huy được nét đẹp văn hóa lâu đời của cây dừa, cũng là ngày quảng bá cho hình ảnh cây dừa Việt Nam với cộng đồng quốc tế và để mọi người hiểu hơn những giá trị văn hóa, lịch sử mà cây dừa đã đóng góp cho dân tộc. Và ngày này cũng là ngày hội tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam từ dừa, nhằm thúc đẩy giá trị gia tăng dưới bóng dừa thông qua Du lịch Dừa - mô hình du lịch văn hóa, lịch sử với những nhân chứng sống hiện còn không nhiều trong hai cuộc chiến.
Xin bà cho biết vai trò môi trường và vai trò kinh tế của cây dừa đối với đời sống cộng đồng? 
Cây dừa là loại cây, được Ngân hàng Châu Á và Hiệp hội Dừa châu Á - Thái Bình Dương gọi là cây xóa đói giảm nghèo để hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đây là một loại cây phát triển tốt ở những vùng phèn mặn mà các loại cây khác khó có thể phát triển nên vai trò của nó với môi trường rất lớn. Hơn nữa lại là loại cây đơn trục, với cấu tạo của lá theo dạng thùy lông chim nên cây dừa có tác dụng giảm được lốc xoáy, hạn chế sức tàn phá của gió bão. Ngoài ra, những sản phẩm phụ từ dừa như chỉ sơ dừa, mụn dừa đều là những sản phẩm bảo vệ môi trường trước thực trạng xói mòn, lũ quét và giữ ẩm, tăng màu cho đất.
Việt Nam là một trong những quốc gia có diện tích trồng dừa lớn nhất thế giới, nhưng người dân xứ dừa phần lớn chưa thoát nghèo vì thu nhập không cao, do đó trong thời gian vừa qua diện tích trồng dừa đã bị thu hẹp đáng kể.
 Trân trọng cảm ơn bà!
Với ngành kinh tế nào cũng vậy, liều thuốc bổ được tiêm đầu tiên là chính sách tài chính. Ngành dừa chưa có được bất kỳ chính sách tài chính ưu đãi nào cho mình từ Chính phủ, trong khi ở một số địa phương thì dừa là nguồn thu nhập chính của người dân. Vì vậy, chúng tôi không mong gì hơn là cây dừa được đưa vào bàn nghị sự với những chính sách cụ thể.
Minh Đan thực hiện thegioianh.vn


Liên hệ với chúng tôi:
Tel: +84-903-880-905 Email: info@dauduatinhluyen.com Web: www.dauduatinhluyen.com


NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ CHUYÊN NGHIỆP
PHÁT TRIỂN

0 nhận xét: