Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Dìa miền Tây một chuyến đi chị

Standard

Em gọi điện thoại rủ rê: “Dìa miền Tây một chuyến đi chị”. Chị ngần ngừ hỏi giác này ở dưới có gì ăn? Em ra vẻ bí mật, đi rồi hẵng biết.
Dân đồng bằng sành điệu
Chị lên đường, lòng tơ tưởng đến tộ canh chua cá linh non nấu với bông điên điển cùng ơ cá bống kho tiêu đã đọc nhiều trên các báo. Ai dè, em cười nhạo ngay khi đón chị ở Bến Tre. Miệt này làm gì có cá linh, xứ dừa thì chỉ có... chuột dừa. Chuột ở đây là chuột sạch, ngon và bổ hơn chuột đồng, vì "tụi nó" ăn toàn đọt dừa non với cơm dừa, ăn xong "tụi nó" còn tắm tiên bằng nước dừa nữa cho nên thịt trắng tươi, ngon vô kể...

Mới nghe đến chừng đó chị đã đủ phát thèm, dù trong tâm trí, hình ảnh những con chuột thành phố vẫn còn ám ảnh. Bạn Bến Tre dường như biết ý bồi thêm: "Ở đây đi săn chuột là một nghệ thuật, ăn thịt chuột là một hành động văn hóa, ăn để góp phần bảo vệ mùa màng, cây trái cho bà con nông dân. Thịt chuột hơn hẳn các loại khác ở chỗ có nhiều vị thuốc bổ.

Y học cổ truyền gọi là "lão thử" vì thịt chuột có vị ngọt, tính ấm, không độc, làm mạnh khí, ích tinh, hàn thương tích, liền xương cốt, có chất ngưu hoàng giúp nâng cao thị lực về ban đêm. Còn ở đây, người dân thích ăn vì chuột chữa bệnh suy dinh dưỡng cho trẻ, suy nhược cho người già, giúp phụ nữ trẻ đẹp lâu...".

Nói xong, mặc kệ mấy chị em nhìn nhau bán tín bán nghi vụ trẻ đẹp lâu, bạn quơ cái giàn thun máng trên góc cột đeo vô cổ, cầm cây sào dài đi ra vườn. Độ một tiếng sau, bạn trở vào nhà, trên tay đã có một xâu chuột. Bạn lúi húi đốt rơm thui, bằm chặt, đâm giã sau bếp một hồi, mùi thơm đã xộc lên nức mũi. Mâm chuột ba món: nướng chao, hấp cơm, xào lá cách nằm chễm chệ trên bàn. Bạn réo mọi người nhào vô ăn thử.

Đầu tiên là một miếng nướng chao, dai mà mềm, vị béo của chao hòa với vị béo của thịt tạo nên một vị mới, thêm vài cọng rau răm cay nồng vào để thấy rõ ràng miếng thịt ngọt lừ. Món kế tiếp được bạn giới thiệu là đã đặt chuột lên miếng lá chuối hấp trong nồi cơm, nhưng vì sợ khách... hết hồn, nên xé ra ngay từ dưới bếp. Mới nhìn miếng thịt trắng phau, nghĩ sẽ không có mùi vị gì, những chấm chút muối ớt hiểm, nhai chầm chậm, nhận ra ngay nó có vị của miếng cơm dừa, thịt săn chắc và thơm lạ. Cuối bữa, để đi đường xa chắc bụng, bạn bắt khách làm chén cơm với món xào.

Thịt chuột bằm nhuyễn quyện với những sợi rau xanh mướt xắt mỏng, thêm vài lát củ hành... măn mẳn, hăng nồng, sao mà bắt cơm một cách lạ lùng. Bạn nói lá cách là cây dại, mọc nhiều ở trong các vườn dừa của Bến Tre, thuộc diện “rau sạch không chờ quy hoạch". Theo Đông y, lá cách có tác dụng thông tiểu, hạ huyết áp, phòng ngừa sỏi thận, mát gan, trị nhức mỏi, điều hòa kinh nguyệt, lợi sữa... Chính vì những công dụng trên, bà con lấy lá cách xào với thịt chuột làm món dành riêng cho chị em phụ nữ. Giờ đây món này cũng thường xuyên có mặt trong bữa cơm gia đình.

Chưa được thưởng thức hết những món thịt chuột khác như chuột muối sả ớt, quay chảo, nấu cà ri, em đã giục chị lên đường. Đánh một vòng qua Vĩnh Long, Cần Thơ. Nghe chị nói muốn ăn cá, em đèo chị về Hậu Giang, vô Long Mỹ... Hai bên đường, người ta bày bán những mớ đọt choại xoăn đỏ, tươi chong, thấy bắt thèm. Đi một lát lại thấy bày bán những chùm trái xanh chen trái tím nhìn bắt mắt, muốn mua để nhâm nhi liền tức thời.

Em cản, thứ trái giác đó ăn sống ngứa miệng, dành để kho cá, nấu canh... Em hứa, sẽ cho chị thưởng thức. Cao lương mỹ vị thì em tìm không ra chớ đọt choại với trái giác mọc đầy ngoài bưng, đi một lát, có một rổ. Quan trọng là người chế biến... Bạn Hậu Giang đón khách với mớ cá tôm vừa kiếm được từ mấy cái mương sau vườn. Bạn làm cá, khách tìm rau. Mâm cơm bạn dọn lên cũng ba món, đọt choại xào tôm đất, canh chua cá rô nấu với trái giác và trái giác kho cá trê.

Món xào vừa chín tới làm cho con tôm dai, thơm mùi bùn non, còn đọt choại thì giòn, ngọt hậu, thơm mùi của sương, của cỏ. Cái ngộ ở đây là cùng nấu với trái giác, nhưng tộ canh cá rô lại có vị chua thanh, nhưng khi kho với cá trê thì nó lại có vị chua khác, không giống với vị của cá trê kho cải chua, cũng không giống với vị của cá biển kho cà chua hay khóm, nói chung là khó diễn tả được, chỉ biết, món nào cũng... quá được, quá hạp.

Bạn kể mấy thứ rau trái này hồi trước bị bỏ cù bất cù bơ, bữa nào không có gì ăn mới nhớ tới nó, nhưng sau, xem ti vi, nghe đài biết đọt choại có nhiều chất sắt, giảm cholesterol, thông huyết mạch, mát gan, tiêu mỡ, ngừa nhức mỏi, còn trái giác thì ngoài công dụng thông tiểu, hạ huyết áp, còn là liều thuốc chống mệt mỏi, đau cơ khớp, tăng sức đề kháng. Bà con mình thấy có lý, chế ra món này món kia cho lạ miệng hơn, nhờ vậy mà "tụi nó" đổi đời, trở thành đặc sản.

Chỉ có điều, theo như lời bạn thì bà con mình bây giờ rất... bảnh, không vì thứ đó bán được mà nhịn như ngày trước, cái nào bán thì bán, cái nào ăn thì ăn, ăn nên thuốc, lại không tốn tiền mà ngại gì. Cho nên, mỗi nhà tự chế biến ra nhiều kiểu, đọt choại nhúng lẩu, luộc chấm nước mắm giằm cá chiên hay mắm kho quẹt... cũng thuộc hàng ngon nhứt xứ. Còn trái giác thì ngoài kho với cá trê, người ta còn kho với cá rô mề, để lửa riu riu, cá rô thấm vị chua của giác, ngon đặc biệt lắm.

Kể cũng ngộ, cùng là trái chua, mà thiên nhiên lại ban cho mỗi thứ trái một vị khác nhau: bần, bứa, giác, me, chanh, cóc. . . Bạn bổ sung thêm trái trúc, chỉ có ở vùng Bảy Núi. Trước đây, người Khmer An Giang chỉ trồng trong vườn nhà để dành làm thuốc, nhưng nay thì cả lá và trái đang nổi tiếng ở vùng này. Vậy là hai chị em lên đường đi Tri Tôn. Hỏi thăm, bà con nói nên ăn món cháo lòng bò trái trúc ở quán Thủy Đen, mà chỉ bán giác sáng sớm, tám giờ trở đi là coi như vét nồi.

Tìm đúng địa chỉ quán... dễ òm, vì ai cũng biết. Chủ quán là một phụ nữ người Khmer đang ngồi cạnh nồi cháo bự chảng và mâm lòng bò cao ngất. Chỉ nhìn lướt sơ nhiêu đó đã đoán được lượt khách đến quán đông cỡ nào. Thấy khách ở xa đến, mọi người tranh nhau nhường chỗ, nhường tô. Vài anh nhiệt tình hướng dẫn vắt một nửa trái trúc vô chén nước mắm để chấm lòng bò, nửa trái còn lại vắt vô tô cháo, mà phải vắt ngược để nước cốt từ trong múi trúc tràn từ từ qua vỏ, mang theo hết tinh dầu.

Làm y theo lời anh, tô cháo lòng bò có mùi vị rất lạ: chua, the, thơm, nồng... mỗi thứ một chút xíu, nhưng vừa đủ để làm cho tô cháo có sức hấp dẫn riêng. Đến khi chấm lát lòng bò vào chén nước mắm ớt thì mùi thơm từ tinh dầu của trái trúc mới rõ ràng hơn, the mà không gắt, thơm mà không nồng, khiến người ta nuốt nước miếng cái ực khi vừa xộc vào mũi...

Điều đáng ngạc nhiên là sao "tụi nói” lại hợp nhau dữ vậy? Một ông khách trong quán là dân địa phương kể, cây trúc ngày trước để dành trị bệnh đường tiêu hóa, cảm cúm, ho, bệnh gan mật, cao huyết áp, sử dụng hết từ lá, vỏ, hạt, nước cốt không bỏ thứ gì.

Sau này, khi đời sống ngày một khấm khá hơn, bữa ăn có nhiều thịt thà, người ta mới nghĩ đến chuyện làm cho những món ấy trở nên dễ tiêu hóa hơn bằng cách ướp vỏ trái hoặc lá trúc vào những món gà, bò, lươn, rắn trước khi nấu chín, và nước cõi cùng tinh dầu tươi cho các món nước chấm đi kèm, giúp kích thích dịch vị.

Sẵn trớn, buổi trưa, hai chị em rủ nhau đi tham quan rừng tràm Trà Sư và nhứt định phải ăn bằng được món gà hấp lá trúc tại đây. Con gà vừa đặt xuống bàn đã nghe thoang thoảng hương của quế, của lá cà ri, của mớ hương liệu nấu phở... Người ta nói khi tẩm ướp con gà để hấp, nhà bếp đã ướp lá trúc và vỏ trái trúc bằm nhuyễn trộn với các thứ gia vị khác.

Giờ thì trái trúc không còn là cây truyền thống của riêng người Khmer An Giang nữa, dọc đường nhiều chỗ bán cây giống trái trúc, ngoài chợ, trái trúc cũng có mặt, nhưng cao giá hơn chanh gấp bốn, năm lần. Hỏi chị bán trái trúc, cùng giống chanh mà sao mắc dữ, chị không ưng bụng, ngó lơ chỗ khác, miệng lầm bầm: "Gặp khi nghịch mùa không có một trái để làm thuốc, ở đó mà mắc với rẻ...". Tới đây thì phải công nhận là dân miền Tây mình sành ăn. Ăn không chỉ ngon, mà phải bổ và có lợi cho sức khỏe.




NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ CHUYÊN NGHIỆP
PHÁT TRIỂN

0 nhận xét: